Tin tức Tuấn 123

2019 – Năm nhiều biến cố của thị trường Bất động sản

9 Tháng Một, 2020 | 996 Lượt xem
Năm 2019 là một năm nhiều màu xám của thị trường Bất động sản trong nước với sự bùng nổ của các dự án “ma”, hàng loạt nhà lãnh đạo bị khởi tố, hàng chục dự án sai phạm,…

1.Công bố kết luận thanh tra Khu đô thị mới Thủ Thiêm

Ngày 26/6,Phó Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) Đặng Công Huẩn ban hành kết luận thanh tra công tác quản lý Nhà nước và thực hiện pháp luật trong quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai đối với Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP.Hồ Chí Minh. Theo đó, nội dung chính bao gồm các vi phạm liên quan đến 4 tuyến đường chính, truy thu thiệt hại và xử lý cán bộ có liên quan. Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo UBND TP.HCM thu hồi, hoàn trả ngay khoản tiền tạm ứng hơn 26.315 tỷ đồng vào ngân sách, trả nợ các khoản vay đầu tư là 4.286 tỷ đồng. Ngoài ra, hàng loạt các dự án hạ tầng, thương mại, tái định cư quy mô lớn cũng bị Thanh tra Chính phủ nêu đích danh sai phạm.

Toàn cảnh Khu đô thị Thủ Thiêm

Trong thông báo kết luận dài 15 trang, TTCP đã chỉ ra nhiều khuyết điểm, vi phạm của UBND TP HCM và các cơ quan liên quan.

Theo đó, UBND TP HCM ban hành Điều lệ quản lý xây dựng KĐTM Thủ Thiêm chưa đầy đủ, không thực hiện trình duyệt theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Do đó, việc đầu tư dự án đã thiếu đồng bộ, khó quản lý, có nơi còn buông lỏng, chậm triển khai.

Đoàn thanh tra cũng xác định chủ đầu tư các dự án BT đã hưởng lợi rất lớn do chênh lệch giá đất (chênh lệch địa tô). Cụ thể, UBND TP HCM sử dụng đơn giá bằng chi phí đầu tư bình quân là 26 triệu đồng/m2 không đúng quy định làm giá tối thiểu để tính tiền sử dụng đất thanh toán đối ứng cho các dự án BT.

2.Khởi tố Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh Lê Thanh Thản

Ngày 10/7, đại diện VKSND thành phố Hà Nội cho biết đã phê chuẩn quyết định khởi tố ông Lê Thanh Thản về tội Lừa dối khách hàng theo điều 198 Bộ luật hình sự 2015. Vụ án được khởi tố ngày 5/7. Ông Thản tại ngoại trong quá trình điều tra.

Ông Thản bị Công an Hà Nội cáo buộc liên quan sai phạm tại Dự án đầu tư xây dựng Tổ hợp chung cư cao cấp và thương mại Bemes ở khu đô thị Kiến Hưng (phường Kiến Hưng, Hà Đông, Hà Nội). “Bước đầu, nhà chức trách mới khởi tố như vậy, cơ quan điều tra đang xem xét điều tra nhiều dự án khác của Mường Thanh tại Hà Nội”, lãnh đạo VKSND Hà Nội nói.

Ông Lê Thanh Thản, Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh

3. Di dời nhà máy ra khỏi nội đô sau vụ cháy nhà máy Rạng Đông

Sau vụ cháy Công ty bóng đèn phích nước Rạng Đông với lượng thủy ngân phát tán lên đến 27,2kg cùng các hóa chất độc hại khác, vấn đề di dời những “ổ chứa” hóa chất trong nội thành, khu dân cư đã liên tục được nhắc đến, ngay cả trong nghị trường Quốc Hội. Trên địa bàn TP Hà Nội có 117 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thuộc diện phải di dời khỏi nội đô. Trong khi đó từ 2016 đến nay, chỉ 4/177 nhà mày này mới được di dời. Cử tri đề nghị khẩn trương di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường ra khỏi trung tâm thành phố, ngăn chặn kịp thời các nguồn gây ô nhiễm; tăng cường kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi xả chất thải trực tiếp ra môi trường.

Toàn cảnh vụ cháy Công ty Rạng Đông

4. Công bố hàng loạt sai phạm tại Sơn Trà

Chiều 18/10, Thanh tra Chính phủ chính thức công bố thông báo Kết luận thanh tra, chỉ rõ những sai phạm của UBND TP Đà Nẵng trong quản lý và sử dụng đất đai, đối với các dự án đầu tư trên bán đảo Sơn Trà.

Cụ thể, đến thời điểm thanh tra, UBND TP Đà Nẵng chưa phê duyệt quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà; các cơ quan, đơn vị chức năng chưa thực hiện điều tra, đánh giá tổng thể về đa dạng sinh học, chưa lập báo cáo hiện trạng đa dạng sinh học trên bán đảo Sơn Trà; chưa thực hiện báo cáo tình trạng loài thuộc danh mục nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ theo quy định…

Hàng loạt sai phạm ở bán đảo Sơn Trà

UBND TP Đà Nẵng, các sở, ngành chức năng chưa thực hiện công tác xác định rõ các phân khu chức năng (phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái, phân khu dịch vụ – hành chính và vùng đệm) làm cơ sở cho việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên bán đảo Sơn Trà là chưa đúng quy định.

Theo kết quả tổng điều tra, kiểm kê rừng thành phố Đà Nẵng năm 2016 đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thống nhất phê duyệt, công bố, thì tổng diện tích rừng tại Bán đảo Sơn Trà năm 2016 là 3.729 ha. Trong tổng số 18 dự án trên bán đảo Sơn Trà được UBND TP Đà Nẵng phê duyệt, chấp thuận, có một phần diện tích là rừng tự nhiên với tổng diện tích là 163,32 ha nhưng chưa xác định trong phương án giao quản lý, bảo vệ rừng.

5. Nguồn cung dự án giảm mạnh ở TP.HCM, thiếu nhà giá “vừa túi tiền”

Trong quý III/2019, TP.HCM chỉ có 8 dự án mới đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai giảm 74% so với cùng kỳ năm ngoái và thấp nhất trong 3 năm qua, trong khi con số này ở Hà Nội là 22 dự án. Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu cho biết cho biết thị trường đang có sự sụt giảm nguồn cung căn hộ từ 1-2 phòng ngủ có mức giá vừa túi tiền, dao động trong khoảng 2 tỷ đồng.

Thị trường BĐS TP.HCM sụt giảm mạnh nguồn cung dự án và nguồn cung nhà ở

Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA) nhận định thị trường bất động sản trong 9 tháng đầu năm ở TP. HCM tiếp tục có xu hướng bị sụt giảm. Cụ thể, chỉ có 1 dự án nhà ở được chấp thuận chủ trương đầu tư, giảm khoảng 83%; chỉ có 12 dự án được chấp thuận đầu tư, giảm khoảng 72% và chỉ có 24 dự án được cấp phép xây dựng, giảm khoảng 38%, so với cùng kỳ năm 2018.

Hiện có 32 dự án nhà ở hình thành trong tương lai đủ điều kiện huy động vốn, với 19.662 căn nhà, giảm 58,44% về số lượng dự án và giảm 30,56% về số lượng căn nhà so với năm 2018. Trong đó, có đến 31 dự án nhà ở quy mô nhỏ và trung bình, nhưng có 1 dự án khu đô thị rất lớn tại quận 9 với tổng số 10.007 căn hộ chiếm tỷ trọng áp đảo trên thị trường.

Nguồn cung quá ít sẽ rất đến tình trạng mất cân bằng cung – cầu, trong khi đó nhu cầu quá cao sẽ làm giá nhà dễ bị đẩy lên cao, dễ xuất hiện tình trạng đầu cơ, đầu tư lướt sóng.

6. Chủ đầu tư Cocobay Đà Nẵng tuyên bố không thể trả lợi nhuận như cam kết

Cuối tháng 11, Tập đoàn Empire, chủ đầu tư dự án condotel Cocobay tại Đà Nẵng thông báo đến khách hàng không thể trả mức lợi nhuận 12% theo như hợp đồng đã cam kết.

Tập đoàn Empire cho biết việc kinh doanh loại hình sản phẩm bất động sản condotel thời gian qua gặp nhiều khó khăn. Khung pháp lý chưa hoàn thiện dẫn đến nhiều bất cập, thủ tục pháp lý tại địa phương có nhiều vướng mắc. Điều này làm ảnh hưởng đến hoạt động khai thác và vận hành dự án.

Chủ đầu tư dự án Cocobay tuyên bố ngừng trả thu nhập cam kết ở mức 12%/năm đối với khách hàng mua căn hộ khách sạn và khách sạn mini từ đầu năm tới

Theo các chuyên gia, cam kết lợi nhuận đầu tư condotel lên tới 8-12% là không tưởng, không ai trên thế giới dám đưa ra cam kết như vậy. Vì vậy, việc chủ đầu tư dự án Cocobay Đà Nẵng thừa nhận không thực hiện được việc chi trả lợi nhuận cam kết lên tới 12%/năm như đã ký với khách hàng không hề bất ngờ, chỉ là việc sớm hay muộn.

7. Hàng loạt dự án “ma” bị bóc mẽ

Thị trường bất động sản năm 2019 cả nước được đánh giá là một năm với nhiều gam màu xám, trong đó, nổi cộm là tình trạng phân lô bán nền, lập dự án “ma” trên đất nông nghiệp nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Các doanh nghiệp như Địa ốc Alibaba, Công ty Angel Lina, Hoàng Kim Land, Hưng Thịnh Phát… thông qua việc bán các dự án “ma”đã lừa hàng nghìn tỷ đồng của khách hàng.

Các dự án”ma” đã lừa đảo hàng nghìn tỷ

Theo dõi tin tức mới nhất về Thị trường bất động sản tại: https://tuan123.com.vn/tin-tuc/